Việc khôi phục lại chính sách sẽ tạo nhiều cơ hội cho lao động VN chờ xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc ký lại bản tiếp nhận sẽ giúp đẩy mạnh hơn trước việc đưa lao động VN đáp ứng yêu cầu sang làm việc tại Hàn Quốc. “Tuy nhiên, số lượng cụ thể lao động VN sang làm việc từ năm 2017 vẫn phải phụ thuộc vào công tác thực hiện chính sách vận động lao động cư trú bất hợp tự nguyện hồi hương”.
Về hiệu lực, Bản thỏa thuận ký lại này sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2016.
Trước đó, việc tiếp nhận lao động VN sang làm việc tại Hàn Quốc đã được thực hiện từ những năm 2000. Một trong những chương trình nhằm cụ thể hóa chủ trương trên có tên gọi tắt là EPS.
Tuy nhiên tới giai đoạn năm 2010-2011, tỉ lệ lao động đi theo chương trình EPS sau khi hết hạn hợp đồng đã ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng tăng. Điều này làm ảnh hưởng tới thị trường lao động Hàn Quốc, lộ trình tiếp nhận lao động VN từ trong nước sang, chưa kể làm ảnh hưởng ít nhiều tới hình ảnh của người lao động VN.
Năm 2012, tỉ lệ trên đã lên tới con số trên 55 %. Lao động VN bỏ trốn đứng đầu trong số 14 quốc gia phái cử lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Trước tình hình này, năm 2012, Hàn Quốc đã tạm thời dừng Bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động VN và chuyển sang xem xét và tiếp nhận theo từng năm. Đặc biệt, việc tiếp nhận được xem xét khá chặt chẽ với những tiêu chí khắt khe, tập trung vào các lao động trung thành, lao động đã đỗ trong các kỳ thi tuyển tiếng Hàn trước thời đó…
Việc “thắt nút” trong tiếp nhận lao động VN sang Hàn Quốc đã làm nhiều lao động VN chờ xuất cảnh mất cơ hội việc làm với thu nhập cao, ảnh hưởng ít nhiều tới hình ảnh của người lao động VN và chính sách xuất khẩu lao động nói chung.
Trao đổi với PV Dân trí về thu nhập của lao động VN tại Hàn Quốc, ông Tống Hải Nam – Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Theo quy định, lao động VN đi làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng có thời hạn 58 tháng. Tính trung bình, mỗi lao động còn tối thiểu 1.000 USD/tháng sau khi trừ các chi phí sinh hoạt.
“Như vậy, trong 58 tháng, họ có thu nhập gần 60.000 USD. Hết thời hạn này, người lao động nên về nước để dành cơ hội tăng thu nhập cho những lao động chờ xuất cảnh tại quê nhà” – ông Tống Hải Nam nói.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí trong nước cũng góp phần to lớn và thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức người lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiểu được lợi, hại cũng như trách nhiệm công dân của việc tự nguyện hồi hương.
Trước tình hình trên, Chính phủ VN và các cơ quan chức năng trong nước đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm giảm tỉ lệ lao động VN cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc.
Một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức phiên tuyển dụng lao động VN từ Hàn Quốc hồi hương tại nhiều tỉnh, thành trong nước; vận động gia đình của lao động VN cư trú bất hợp pháp kêu gọi người thân hồi hương tự nguyện; tổ chức các buổi tuyên truyền tại các thành phố lớn của Hàn Quốc, nơi có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp…
Đặc biệt, Chính phủ VN đã ban hành chính sách miễn xử phạt lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hồi hương từ ngày 1/5-30/9. Đây là lần thứ 2, chính sách này được thực hiện trong giai đoạn 2015-2016 tại VN.
Nếu như năm 2012, tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc lên tới 55,76%; năm 2014, tỉ lệ giảm còn 43,55%. Tỉ lệ này giảm xuống còn hơn 30% trong năm 2015. VN còn khoảng 15.000 lao động đi theo chương trình EPS đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm hơn 30 % tổng số lao động nước ngoài bất hợp pháp theo chương trình này.
Mới đây, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã cho phép những lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này nếu tự nguyện đăng ký về nước từ ngày 1/4-30/9/2016 sẽ không bị xử phạt và hạn chế tái nhập cảnh vào Hàn Quốc. Trước đó, những lao động cư trú bất hợp pháp nếu bị bắt và trục xuất sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc tối đa 10 năm.
(Nguồn: Hoàng Mạnh – Dantri.com.vn)