Xuất khẩu lao động

Lao động đi Đức cần cẩn trọng với các lời tư vấn lương cao

 

Nhiều đơn vị tư vấn vẽ bức tranh siêu thực về Đức như việc làm lương trăm nghìn USD, bao đậu visa mà bỏ qua các yếu tố như thuế, phí phải đóng khá cao, theo Phó tổng lãnh sự Đức.

“Nhiều ngành nghề ở Đức đang rất cần lao động, nhóm ngành điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn, thủ công đang rất thiếu người và muốn thu hút nguồn lực ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam”, Phó tổng lãnh sự Đức Christopher Scholl nói tại Ngày hội hướng nghiệp Đức được tổ chức ngày 16/11 tại TP HCM.

Theo ông Christopher Scholl, Việt Nam và Đức có nhiều thỏa thuận về giáo dục, hợp tác để lao động sang Đức học tập, làm việc. Tuy nhiên, hiện có nhiều môi giới đưa ra các lời quảng cáo sai sự thật về cơ hội học tập, làm việc ở Đức. Do đó, người có nhu cầu đến Đức hãy hết sức thận trọng trước các thông tin quảng cáo đến từ các đơn vị hỗ trợ du học nghề.

“Nhiều đơn vị tư vấn du học – nghề nghiệp đã vẽ ra bức tranh siêu thực về nước Đức, ví dụ việc làm có lương hàng trăm nghìn USD, visa bao đậu”, ông nói.

 

Ông Christopher Scholl, Phó tổng lãnh sự Đức (giữa) tại Ngày hội hướng nghiệp Đức, ngày 16/11.

 

Theo Phó lãnh sự Đức, lao động có cơ hội đạt được mức lương cao ở Đức nhưng cần thời gian. Sinh viên mới ra trường, tu nghiệp sinh được tư vấn có lương cao ngay là không thể. Chưa kể, nhiều công ty môi giới nói nhiều thứ tốt đẹp về Đức nhưng lại không nói về các chi phí như: thuế, phí, các loại bảo hiểm y tế, thất nghiệp… mà người lao động phải đóng khi sinh sống, làm việc ở Đức.

Theo ông Christopher Scholl, lời cam kết bao đậu visa là không đúng thực tế. Quy trình xét duyệt visa đều công khai, mọi người được đối xử bình đẳng như nhau. Do đó, người lao động không nên tốn nhiều chi phí với mục tiêu đẩy nhanh hoặc cam kết đảm bảo đậu visa.

 

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức ngày hội hướng nghiệp với sự tham gia của nhiều bên để cung cấp thông tin đến người Việt Nam có nhu cầu sang Đức học tập, làm việc”, ông Christopher Scholl nói, và đề nghị lao động, du học sinh hay bất kỳ người Việt nào muốn đến Đức hãy cập nhật thông tin từ trang web chính thống của Tổng lãnh sự quán, Đại sứ quán Đức hoặc các tổ chức uy tín của Đức tại Việt Nam để tránh “tiền mất tật mang”.

Tại ngày hội hướng nghiệp, bà Mailan Thai, Viện trưởng Goethe TP HCM, cho biết các dịch vụ hỗ trợ như tìm kiếm cơ hội việc làm, học nghề, giới thiệu kết nối dành cho lao động muốn đi Đức hoàn toàn miễn phí.

“Nếu có phí thì đó là dành cho các lớp học tiếng Đức”, bà Mailan Thai nói và cho rằng dù nước Đức có nhiều chính sách an sinh, cơ hội việc làm, giáo dục tốt, song người lao động cần tìm hiểu kỹ về văn hóa, thời tiết, con người Đức để đưa ra quyết định phù hợp.

 

Các đơn vị tham gia Ngày hội hướng nghiệp Đức tư vấn cho người tham dự.

 

TS Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Kühne Logistics University (KLU) phân hiệu Đông Nam Á, cho biết nước Đức với hơn 3,6 triệu doanh nghiệp bao gồm các tập đoàn lớn, công ty gia đình, tư nhân… đang thiếu lao động trầm trọng. Để thu hút nhân lực, Đức đã đơn giản nhiều thủ tục, các quy định về ngôn ngữ được hạ thấp, chấp nhận hai quốc tịch để người lao động đến dễ dàng hơn.

Do chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Đức, đa phần lao động đến Đức đều đi theo con đường học tập rồi sau đó tìm kiếm cơ hội làm việc. Tất cả các trường ở Đức từ công đến tư đều gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, các trung tâm giới thiệu việc làm để tạo cơ hội cho lao động có việc ngay sau khi học.

Theo đại diện KLU, đa số các trường đại học công lập ở Đức miễn học phí nhưng yêu cầu đầu tiên là người học phải nói tiếng Đức. Trong khi đó, đối với trường tư, nếu không được cấp học bổng, người học có thể đóng học phí nhưng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, khắc phục được rào cản ngôn ngữ. Điều này giúp cơ hội việc làm của người học mở rộng ra các nước khác ngoài Đức. Do đó, tùy vào nhu cầu, mong muốn và khả năng, người Việt có thể tìm hiểu con đường phù hợp với khả năng của mình.

Thời gian qua, Việt Nam và Đức đã có nhiều hợp tác quan trọng trong lĩnh vực lao động di cư. Nhiều lao động, du học sinh Việt Nam đi học tập, làm việc tại Đức có việc làm ổn định với mức thu nhập cao và được hưởng các chế độ phúc lợi như công dân Đức. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, có hơn 10.000 điều dưỡng Việt Nam làm việc ở nước này. Hiện có khoảng 8.000 du học sinh Việt ở Đức, trong đó gần 80% theo diện du học nghề.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin liên quan

Lựa chọn ngôn ngữ